Phòng khám PGS. TS. BS. Võ Duy Thông

http://bsvoduythong.com


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường được gọi là GERD, xảy ra khi acid từ dạ dày trào ngược vào thực quản. Thông thường, thực phẩm đi từ miệng, xuống thực quản và vào dạ dày. Ở đó có cơ vòng thực quản dưới nằm ở đáy thực quản co thắt giúp cho acid của dạ dày không “chảy ngược” vào thực quản. Những người bị GERD, các cơ vòng thực quản dưới siết không chặt, nên axit và các thành phần khác trong ống tiêu hóa di chuyển lên phía trên, gây trào ngược lên thực quản.
Ảnh minh họa

Khi acid dạ dày tác động vào lớp mô nhạy cảm của thực quản và họng, nó gây ra một phản ứng tương tự như bắn giọt nước chanh vào mắt của bạn. Đây là lý do tại sao GERD thường đặc trưng bởi cảm giác nóng được gọi là chứng ợ nóng.

Trong một số trường hợp, trào ngược có thể không biểu hiện triệu chứng, không có chứng ợ nóng hoặc các triệu chứng khác cho đến khi có vấn đề phát sinh. Hầu như tất cả mọi người đều bị trào ngược (GER), nhưng sẽ trở thành bệnh lý khi sự trào ngược xảy ra thường xuyên trong thời gian dài .

Bệnh trào ngược họng thanh quản là gì?

Trong trào ngược dạ dày thực quản, những chất trong dạ dày và đường tiêu hóa trên có thể trào ngược lên thực quản. Chúng vượt qua cơ thắt thực quản trên (một cơ vòng ở phía trên của thực quản) tràn vào thành sau của họng và có thể lên thành sau của đường mũi. Tình trạng này được gọi là trào ngược thanh quản họng (LPR), có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Người lớn bị LPR thường than phiền rằng thành sau của họng có vị đắng, cảm giác nóng rát, hoặc có cái gì đó “mắc kẹt“ ở họng (bệnh nhân thường than phiền là cảm giác có vật lạ hay cục lạ trong họng). Một số bệnh nhân có khàn giọng, khó nuốt, và khó chịu với các cảm giác có cái gì chảy ra từ phía sau mũi xuống họng hoặc là vướng đàm sau mũi (chảy nước mũi sau/nhỏ giọt mũi sau). Một số có thể khó thở nếu thanh quản bị ảnh hưởng nhiều. Và nhiều bệnh nhân LPR không có chứng ợ nóng.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, LPR có thể gây những vấn đề ở đường hô hấp như: ho, khàn tiếng, thở rít(hơi thở ồn ào), viêm thanh quản, hen suyễn, khó thở khi ngủ, ăn khó (bé hay phun hoặc bị trớ khi ăn), chứng xanh tím, khó hít vào, ngưng thở, có những ảnh hưởng nguy hại sức khỏe, và thậm chí gây ra thiếu dinh dưỡng trầm trọng cho sự phát triển. Do đó, điều trị LPR đúng cách, đặc biệt ở trẻ em là rất quan trọng.

Các triệu chứng của GERD và LPR là gì?

Các triệu chứng của GERD có thể bao gồm ợ nóng kéo dài, acid trào ngược, buồn nôn, khàn giọng vào buổi sáng, hoặc khó nuốt. Một số người bị GERD không ợ nóng. Thay vào đó, họ cảm thấy cơn đau ở ngực biểu hiện nặng nề như đau ngực do tim. GERD cũng có thể gây ho khan và hơi thở hôi. Trong khi GERD và LPR có thể xảy ra cùng nhau, bệnh nhân cũng có thể chỉ có bị GERD (không LPR) hoặc bị LPR (không có GERD). Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng như ở trên một cách thường xuyên (hai lần một tuần hoặc nhiều hơn) sau đó bạn có thể bị GERD hoặc LPR. Để chẩn đoán đúng và điều trị, bạn nên được đánh giá bởi bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ phẫu thuật đầu và cổ .

Những người nào có thể bị GERD hoặc LPR ?

Tất cả phụ nữ, nam giới, trẻ sơ sinh và trẻ em có thể có GERD hoặc LPR. Những rối loạn này có thể do nguyên nhân thực thể hoặc các yếu tố lối sống. Nguyên nhân thực thể có thể bao gồm cơ vòng thực quản dưới (LES) suy chức năng hoặc bất thường, thoát vị qua khe thực quản (thoát vị hoành), co thắt thực quản bất thường, và chậm làm rỗng dạ dày. Các yếu tố lối sống bao gồm chế độ ăn uống (chocolate, cam quýt, các loại thực phẩm béo, gia vị), thói quen xấu (ăn quá nhiều, lạm dụng rượu và thuốc lá) và ngay cả mang thai.

Trẻ nhỏ bị GERD và LPR do do sự phát triển còn yếu của hai cơ vòng thực quản trên và dưới. Cần lưu ý rằng một số bệnh nhân dễ bị tổn thương do sự trào ngược hơn những người khác. Chỉ cần một lượng chất trào ngược cho thấy ở bệnh nhân này có thể gây ra các triệu chứng rất khác nhau ở những bệnh nhân khác.

Điều không may là GERD và LPR thường bị bỏ qua ở trẻ sơ sinh và trẻ em; dẫn đến sự nôn mửa lặp đi lặp lại, ho trong GERD. Sau đó gặp phải vấn đề về đường thở và đường hô hấp trong LPR: như nhiễm trùng ở họng và tai. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ hết GERD hoặc LPR lúc tròn 1 tuổi, nhưng những vấn đề do GERD hoặc LPR có thể tồn tại kéo dài.

Vai trò của bác sĩ tai mũi họng trong điều trị GERD và LPR là gì?

Bác sĩ tiêu hóa là chuyên gia trong việc điều trị các vấn đề ở đường tiêu hóa, thường là bác sĩ điều trị GERD trước tiên. Nhưng những vấn đề về tai, mũi và họng do trào ngược vượt quá thực quản, như khàn giọng, hạt dây thanh hay gặp ở các ca sĩ, viêm thanh quản, khí quản hẹp, nuốt khó, đau họng, và nhiễm trùng xoang. Những vấn đề này cần được bác sĩ tai mũi họng, hoặc bác sĩ phẫu thuật đầu cổ hoặc một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm với những công cụ chẩn đoán GERD và LPR.

Bác sĩ điều trị các biến chứng do GERD và LPR gây ra, bao gồm: viêm xoang, viêm tai, những tổn thương ở họng và thanh quản (thường là viêm họng mạn) cũng như sự thay đổi ở niêm mạc thực quản được gọi là thực quản Barrett, một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến ung thư.

Bác sĩ chăm sóc ban đầu của bạn hoặc bác sĩ nhi khoa thường sẽ giới thiệu một trường hợp bị LPR đến gặp bác sĩ tai mũi họng, hoặc chuyên gia đầu và cổ bác sĩ phẫu thuật để đánh giá, chẩn đoán và điều trị.

Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị GERD và LPR ?

GERD và LPR có thể được chẩn đoán hoặc đánh giá bằng sự kiểm tra thực thể và đánh giá đáp ứng của bệnh nhân với sự điều trị thử bằng thuốc.

Các xét nghiệm khác có thể cần thiết bao gồm việc khám qua:

  • Nội soi (một ống dài có chức năng ghi nhận hình ảnh được đưa vào mũi, cổ họng, khí quản, hoặc thực quản)
  • Sinh thiết
  • Chụp X-quang
  • Kiểm tra thực quản
  • Đo pH thực quản 24h qua đầu dò có hoặc không có kiểm tra trở kháng
  • Kiểm tra nhu động của thực quản (đo áp lực), và sự làm trống dạ dày.

Kiểm tra nội soi, sinh thiết và chụp X-quang có thể được thực hiện ở bệnh nhân ngoại trú hoặc nội trú.

Khám qua nội soi thường có thể được thực hiện tại phòng khám tai mũi họng, hoặc có thể cần đến những biện pháp giảm đau hoặc đôi khi phải gây mê.

Hầu hết mọi người bị GERD hoặc LPR đáp ứng tốt với điều trị kết hợp giữa thay đổi lối sống và thuốc. Thuốc được kê toa bao gồm các thuốc kháng acid, thuốc đối kháng Histamin, thuốc ức chế bơm proton, thuốc tăng nhu động và thuốc tạo bọt (bọt ở trong dạ dày giúp ngăn ngừa acid trào ngược lên thực quản). Một số loại thuốc kể trên có sẵn và không cần bác sĩ kê toa.

Trẻ em và người lớn thất bại với điều trị thuốc hoặc có bất thường về giải phẫu có thể cần can thiệp phẫu thuật. Điều trị bao gồm phẫu thuật Nissen Fundoplication, là thủ thuật dùng phần trên của dạ dày quấn vòng quanh phần dưới của thực quản để cơ thắt thực quản dưới siết chặt hơn; thực hiện khâu tay hoặc laser qua nội soi để chặt hơn.

Thay đổi lối sống của để ngăn chặn GERD và LPR

  • Tránh ăn trong vòng 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
  • Đừng uống rượu.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ và từ từ.
  • Hạn chế các loại thực phẩm vấn đề:
    • Caffeine.
    • Đồ uống có gas.
    • Chocolate.
    • Lá bạc hà.
    • Cà chua.
    • Trái cây có múi.
    • Thức ăn béo và chiên.
    • Giảm cân.
    • Bỏ hút thuốc.
    • Mặc quần áo rộng.

Tài liệu tham khảo

http://www.entnet.org/content/gerd-and-lpr

Nguồn tin: BS. Đặng Ngọc Trân (Y học Cộng Đồng)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây