Ghiền mùi nhà thương rồi thành bác sĩ

Thứ năm - 04/01/2018 18:12 2.538 0
Nếu tự phác họa về mình, tôi thấy đó là một ông già mà tóc chưa bạc nhiều và thích viết lách lăng nhăng làm người ta cười…
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Ảnh: Nguyễn Á
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – Ảnh: Nguyễn Á

Là một bác sĩ nhà quê đến nỗi người ta không biết là bác sĩ vì toàn hướng dẫn người dân tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình để ít phải lệ thuộc vào thầy vào thuốc…

“Học nhảy” và gặp ông Nguyễn Hiến Lê

Lúc 5 tuổi, tôi cùng gia đình từ La Gi (Bình Tuy, nay là Bình Thuận) tản cư lên rừng ở vùng Láng Găng, Bưng Riềng (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu). Bị sốt rét triền miên, kiết lỵ, suy dinh dưỡng… đủ thứ. Năm tôi 12 tuổi, cha mất trong rừng vì thiếu thầy, thiếu thuốc. Tôi theo mẹ về tá túc trong một ngôi chùa nhỏ ở Phan Thiết với người cô bị tật nguyền. Tôi nhớ lúc đó cân nặng được 25kg, da xanh mét, lá lách sưng to, mỗi ngày phải đi nhà thương thí để chích thuốc. Riết rồi ghiền cái mùi nhà thương. Và cũng từ lúc đó tôi có ý muốn học y.

Cô và các chị tôi rất mê truyện Tàu. Tôi được sai đi mướn truyện nhưng cấm đọc. Tôi thường lén đọc trên đường đi, dưới gốc cây, nơi bệ đá cổng chùa… trước khi mang về. Đọc tuốt, không chừa thứ gì trong tiệm cho thuê sách đó. Không chỉ vậy, tôi còn viết nhật ký, viết nhận xét phê bình này nọ mỗi lúc đọc xong một cuốn sách.Thế rồi, một hôm cậu Ngu Í điên của tôi đến thăm. Người ta nói ông điên vì ngộ chữ dù ở quê tôi ông là người hay chữ nhất, được bà con rất quý trọng. Thấy tôi 12 tuổi rồi mà học hành ấm ớ trong rừng, ông dẫn tôi tới trường tiểu học của một người bạn gửi cho học miễn phí. Ông còn tặng tôi một đống sách báo từ Sài Gòn mang về. Tôi mê tít.

Mới đầu, nhà trường cho tôi vào học thử lớp 3. Vài tháng sau nói tôi học được cho lên lớp nhì (lớp4 bây giờ). Vài tháng sau nữa cho tôi vào thẳng lớp nhất (lớp 5). Trường tư, trong một ngôi chùa, nếu học giỏi thì được miễn phí. Tôi học giỏi. Cuối năm nhất lớp, chở phần thưởng về chùa bằng… xe xích lô! Cô tôi khen ngợi thưởng cho 10 đồng, đủ ăn năm chén chè sâm bổ lượng với mấy người bạn thân!

Tôi thi đậu cao vào đệ thất (lớp 6) Phan Bội Châu. Hằng ngày vừa đi học, vừa lo cơm nước cho mẹ tôi bán hàng ngoài chợ. Thế rồi, giữa chừng lại bỏ học vì cả gia đình dời về quê cũ La Gi. Tỉnh mới thành lập, chưa có trường trung học. Tôi thất học, phụ bán hàng xén với mẹ ở chợ La Gi.

Ba năm sau mới có lớp đệ thất đầu tiên trong một ngôi nhà thờ. Nhớ lại hồi nhỏ học nhảy tưng bừng của mình, tôi tính chuyện học nhảy tiếp. Nhân một chuyến theo xe chở cá nước đá về Sài Gòn bổ hàng cho mẹ, tôi lang thang lề đường nơi bán sách cũ, vớ được cuốn Kim chỉ nam của học sinh của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc thấy trúng ý mình quá, bèn đánh bạo viết thư hỏi ý kiến ông nói muốn học nhảy có nên không. Ông trả lời ngay: “Cháu có thể học nhảy được, vì đọc thư thấy sức cháu có thể học lớp đệ tứ (lớp 9) rồi đó”. Tôi bèn lập chương trình học nhảy.

Thi đậu ngay trung học đệ nhất cấp, lại nhảy tiếp bỏ đệ tam, đậu tú tài I rồi tú tài II. Khi đó tôi băn khoăn trước ngã ba đường giữa học y, học sư phạm hay học văn khoa. Cái nào cũng thích. Ông Nguyễn Hiến Lê lần nữa khuyên nên học y để giúp gia đình, giúp đời, nếu học giỏi có thể dạy học và nếu có tâm hồn vẫn có thể viết lách được. Đã có nhiều nhà văn là bác sĩ như Tchekov, Cronin, Sommerset Maugham… Tôi đã làm đúng như thế.Tôi học y nhưng ghi danh học thêm văn khoa, xã hội học, những ngành tôi thích. Những năm này tôi đã vào Sài Gòn “du học”, ở nhà trọ, ăn cơm tháng trong khu ổ chuột Bàn Cờ (Q.3) và thường xuyên đến thăm ông Nguyễn Hiến Lê. Ông luôn động viên, khuyến khích việc học của tôi. Khi báo Bách Khoa ra số đặc biệt kỷ niệm 100 đầu sách của ông, tôi viết bài “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi”. Ông nói đây là “món quà” qúy nhất của ông. Ông đã coi tôi như một người học trò “chân truyền” rồi vậy.  

Y và đức, đau và khổ
Hôm nay người ta thường nhắc đến y đức của thầy thuốc. Tôi nghĩ y đức không chưa đủ. Còn phải có tay nghề, kỹ thuật chuyên môn nữa. Không nên tách bạch bởi hai cái là một. Nói y đức suông mà không có tay nghề thì… hại người ta nhiều hơn, làm người ta “đau” nhiều hơn. Còn giỏi kỹ thuật chuyên môn mà thiếu y đức thì làm cho người ta “khổ” nhiều hơn. Người thầy thuốc phải quan tâm cả cái đau và cái khổ của con người. Y đức không đơn giản, không phải là một khẩu hiệu, phải được học tập và rèn luyện xuyên suốt quá trình học y khoa và hành nghề.

Tôi không cảm thấy có bước chuyển nào cả khi bước vào tuổi hưu. Y vốn là một nghề độc lập. Người thầy thuốc có thể làm việc suốt đời nếu còn đủ sức khỏe. Nghề văn cũng vậy, là một nghề tự chủ, có thể làm việc suốt đời, nếu còn thấy hứng thú.

Tôi rất hoan nghênh các bạn trẻ muốn theo nghề y. Đây là một ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội. Nhưng chọn học y là chọn con đường gian nan, tiếp xúc thường trực với những nỗi đau, nỗi khổ của kiếp người (sinh, lão, bệnh, tử)… Phải thật sự yêu nghề và có năng lực.

Nói chung, học y cần có lý tưởng nhân đạo, một “tiếng gọi sâu thẳm” (vocation) của nghề nghiệp. Nếu học y để mong đầu tư… làm giàu trên bệnh nhân thì không nên! Thật ra học y cũng rất thú vị, nhiều thử thách, đòi hỏi trách nhiệm cao. Người bác sĩ luôn đứng trước lương tâm của mình. Hạnh phúc rất lớn khi thấy mình sống hữu ích cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội. Cứu sống một mạng người bằng lập năm bảy kiểng chùa phải không?

Ra trường ba năm, tôi viết cuốn sách đầu tay: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972). Cuốn sách này do ông Nguyễn Hiến Lê đề tựa. Ông viết rất trang trọng và có một câu mà tôi nhớ mãi: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Tôi mê văn chương, làm thơ, vẽ tranh… từ nhỏ. Khi còn là sinh viên đã in thơ, làm báo… Nói khác đi, không phải ra trường làm bác sĩ rồi mới cầm bút. Với tôi, bác sĩ là cái “nghề”, còn văn chương là cái “nghiệp”. Tôi mê cả hai.

Tật xấu của tôi Đó là mê học cũng như mê làm việc mà cái gì mê quá cũng không tốt. Một lần bị xuất huyết tiêu hóa, ngất xỉu trong nhà vệ sinh được đưa đi cấp cứu. Một lần bị tai biến mạch máu não phải mổ sọ với hai lỗ thủng… Lần mổ sọ não có một kỷ niệm đáng nhớ: lúc đang còn nằm trần truồng trong phòng hậu phẫu, đắp một tấm drap mỏng thì một em điều dưỡng tới chích thuốc, hỏi có phải là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc phòng mạch Mực Tím không, tôi ú ớ gật thì nghe em kêu lên mừng rỡ: “Các bạn ơi, lại “coi” bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nè!”. Bốn năm cô chạy tới quanh giường coi mình trong tình thế đó! Thì ra lâu nay đọc báo Mực Tím các em biết tên mà chưa biết mặt! Rồi còn nghe bạn bè tôi mở tiệc ăn mừng. Không phải mừng tôi bệnh mà mừng họ chưa bệnh. Lâu nay tôi vẫn thường khuyên họ đừng uống rượu, đừng hút thuốc lá mà!

Nguồn tin: HÀ THANH ghi – Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA - GAN MẬT
Mọi thông tin chi tiết , tư vấn hướng dẫn đặt lịch khám và hỗ trợ khác xin vui lòng liên lạc theo:
Địa chỉ: 20 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận 5, Hồ Chí Minh
ĐẶT HẸN: 0868845154
Điện thoại: 0942079174  hoặc 08688.45154 - 
Email: bsduythong@gmail.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Quỳnh Anh

Cho phép tôi được thay mặt gia đình xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến TS. Võ Duy Thông đã chăm sóc và điều trị cho mẹ tôi. Bác Thông đã động viên và điều trị cho mẹ tôi qua cơn hiểm nghèo, giờ bà đã khỏe mạnh, ăn uống nhiều hơn. Chúng tôi biết ơn Bác nhiều...

Chi tiết


Xem tẩt cả Gửi ý kiến
 
Thăm dò ý kiến

Bạn biết Phòng khám Chuyên khoa Nội tiêu hóa, Gan mật - TS. BS. Võ Duy Thông qua kênh nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay2,083
  • Tháng hiện tại39,413
  • Tổng lượt truy cập1,977,420
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây