Diệt Helicobacter pylori giúp ngăn ngừa TÁI PHÁT/PHÁT TRIỂN THÊM ung thư dạ dày

Thứ tư - 28/03/2018 18:18 3.507 0
Ung thư dạ dày đã trở thành một căn bệnh có khả năng phòng ngừa được thông qua việc loại trừ vi khuẩn Helicobacter pylori. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến chiến lược "sàng lọc và điều trị", ví dụ như hiệu quả thực tế, cách lựa chọn đúng đối tượng và cân nhắc chi phí-lợi ích,…tiếp tục ảnh hưởng tới việc áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn lâm sàng.
Helicobacter pylori
Helicobacter pylori
Hiện nay, người ta vẫn chưa chắc chắn về thời điểm hiệu quả nhất để thực hiện chương trình tầm soát và điều trị. Một yếu tố quan trọng trong đó là liệu việc loại trừ H. pylori có hiệu quả trong việc ngăn chặn quá trình gây ung thư ở những bệnh nhân bị viêm teo dạ dày mạn tính nặng, những tổn thương tiền thân của ung thư dạ dày hay không.
Trong tạp chí NEJM ngày 22 tháng 3 năm nay, Choi và cộng sự báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng thực hiện theo nguyên tắc phân nhóm ngẫu nhiên, so sánh hiệu quả của việc loại bỏ H. pylori trong ngăn ngừa ung thư dạ dày tái phát sau khi cắt bỏ tổn thương ung thư sớm bằng nội soi mềm (endoscopic removal). Với tổng cộng 396 bệnh nhân và thời gian theo dõi trung bình là 5.9 năm, nghiên cứu cho thấy việc diệt trừ H. pylori đã giảm bớt nguy cơ tái phát 50% (hazard ratio 0.5), so với nhóm đối chứng là không điều trị gì. Cụ thể hơn, ung thư đã tái xuất hiện ở 14 bệnh nhân (7.2%) trong nhóm điều trị, so với 27 bệnh nhân (13.4%) trong nhóm không điều trị (placebo/giả dược).
Kết quả này đã góp phần chứng minh rằng tình trạng viêm teo của niêm mạc dạ dày là một tình trạng "báo động" có thể tiến triển thành ung thư, và việc trừ vi khuẩn H. pylori vẫn có thể giúp ích ngay cả ở giai đoạn mà trước đây thường được cho là “không thể trở về” này.
Trên bình diện toàn cầu, ung thư dạ dày là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong liên quan đến ung thư, mặc dù tỷ lệ này đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua. Gánh nặng kinh tế lên hệ thống y tế là cao, và căn bệnh rất khó chữa do bệnh nhân thường bị chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Vì thế các triệu chứng lâm sàng cũng thường nặng và tỷ lệ sống sót trung bình trong 5 năm thường là dưới 30% ở các nước phương Tây. Ở các nước này cũng chưa có chương trình tầm soát phòng ngừa ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, ở các nước Đông Á, nơi chiếm khoảng 2/3 số ca ung thư dạ dày chẩn đoán trên toàn thế giới thì tình hình có khác. Hàn Quốc và Nhật Bản đã có các chiến lược sàng lọc nhằm phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, có thể chữa khỏi và việc này đã làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do căn bệnh.
Mục tiêu mới nhất liên quan đến việc này là điều trị nhiễm H. pylori vì nó là một yếu tố chính trong quá trình gây bệnh. Khoảng 90% ung thư dạ dày không nằm tại tâm vị (non-cardia) là do nhiễm H. pylori, và phác đồ diệt trừ đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phòng ngừa ung thư dạ dày nguyên phát trong một số thử nghiệm lâm sàng. Ở những cộng đồng có tỷ lệ ung thư dạ dày cao, việc diệt trừ đại trà (mass eradication) H. pylori đã làm giảm đáng kể sự hình thành căn bệnh. Hơn nữa, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày là thấp hơn ở những bệnh nhân chọn diệt trừ H. pylori so với những người được bổ sung chất chống oxy hoá trong 15 năm theo dõi, và một kết quả tương tự cũng được kiểm định khi so sánh việc loại trừ H. pylori với các chất bổ sung vitamin.

Kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng được trên người Việt Nam không?
Cần lưu ý rằng theo số liệu từ các thử nghiệm trên, 125 người sẽ cần phải được điều trị để ngăn ngừa 1 trường hợp ung thư dạ dày, do đó chiến lược như vậy chỉ thực sự có sự cân bằng giữa hiệu quả-chi phí (cost-effective) ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh cao. Số người cần được điều trị sẽ cao hơn ở những nước có tỷ lệ phát bệnh thấp hoặc trung bình, và con số này thường được sử dụng để tranh luận với các chiến lược gia về phòng bệnh.
Nhiều bác sĩ cho rằng tỉ lệ nhiễm H. Pylori ở Việt Nam là khá cao, và bức tranh về bệnh ung thư dạ dày cũng khá tương đồng với Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì thế, tùy theo khả năng tài chính và nguồn lực y tế tại địa phương, việc tầm soát nhiễm H. Pylori bằng các phương pháp ít xâm lấn (như test thở, đo kháng thể,…) có thể được thực hiện đầu tiên, đi kèm với khảo sát bằng Nội soi dạ dày để phân định nguy cơ và tiến hành diệt trừ H. Pylori. Tiếp đó là chương trình theo dõi định kỳ bằng nội soi ở những bệnh nhân có viêm teo nặng, kèm loạn sản ruột,…để phát hiện và điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Vì có nhiều lưu ý khi chọn phác đồ điều trị H. Pylori cũng như chọn nơi thực hiện kỹ thuật nội soi, hãy hỏi thêm các bác sĩ tại nơi bạn sống để có thông tin chi tiết.

Tài liệu tham khảo
1. Choi IJ, et al. Helicobacter pylori Therapy for the Prevention of Metachronous Gastric Cancer. N Engl J Med. 2018; 378(12):1085-1095.
2. Malfertheiner P, Helicobacter pylori Treatment for Gastric Cancer Prevention. N Engl J Med. 2018; 378(12): 1154-1156.
3. Ferlay J, Soerjomartaram I, Dikshit R et al. Cancer incidence and mortality worldwide: sources, methods and major patterns in GLOBOCAN. Intl J Cancer 2015; 136(5): E359-E386.
4. Jun JK, Choi KS, Lee HY, et al. Effectiveness of the Korean National Cancer Screening Program in reducing gastric cancer mortality. Gastroenterology 2017; 152: 1319-1328.e7.
5. Malfertheiner P, Link A, Selgrad M. Helicobacter pylori: perspectives and time trends. Nat Rev Gastroenterol Hepatol 2014;11: 628-38.
6. Lee YC, Chiang TH, Chou CK et al. Association between Helicobacter pylori eradication and gastric cancer incidence: a systematic review and meta-analysis. Gastroenterology 2016; 150:1113-24.
7. Lee YC, Chen TH, Chiu HM, et al. The benefit of mass eradication of Helicobacter pylori infection: a community-based study of gastric cancer prevention. Gut 2013; 62: 676-82.
8. Ma JL, Zhang L, Brown LM, et al. Fifteen-year effects of Helicobacter pylori, garlic, and vitamin treatments on gastric cancer incidence and mortality. J Natl Cancer Inst 2012; 104: 488-92.
9. Mera RM, Bravo LE, Camargo MC, et al. Dynamics of Helicobacter pylori infection as a determinant of progression of gastric precancerous lesions: 16-year follow-up of an eradication trial. Gut 2017.
10. Phát hiện ung thư dạ dày sớm: Những trở ngại cần vượt qua tại Việt Nam

Tác giả bài viết: TS, BS. Phạm Nguyễn Quý

PHÒNG KHÁM CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA - GAN MẬT
Mọi thông tin chi tiết , tư vấn hướng dẫn đặt lịch khám và hỗ trợ khác xin vui lòng liên lạc theo:
Địa chỉ: 20 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận 5, Hồ Chí Minh
ĐẶT HẸN: 0868845154
Điện thoại: 0942079174  hoặc 08688.45154 - 
Email: bsduythong@gmail.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Quỳnh Anh

Cho phép tôi được thay mặt gia đình xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất đến TS. Võ Duy Thông đã chăm sóc và điều trị cho mẹ tôi. Bác Thông đã động viên và điều trị cho mẹ tôi qua cơn hiểm nghèo, giờ bà đã khỏe mạnh, ăn uống nhiều hơn. Chúng tôi biết ơn Bác nhiều...

Chi tiết


Xem tẩt cả Gửi ý kiến
 
Thăm dò ý kiến

Bạn biết Phòng khám Chuyên khoa Nội tiêu hóa, Gan mật - TS. BS. Võ Duy Thông qua kênh nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay209
  • Tháng hiện tại10,690
  • Tổng lượt truy cập1,917,673
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây